trang web chính thức của trò game đổi thưởng 89

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát triển bền vững chuyên canh lúa chất lượng cao tại Việt Nam

QPTĐ- Gạo Việt Nam đã trở thành gạo ngon nhất thế giới năm 2023. Kết quả này thêm một lần nữa khẳng định chất lượng cũng như uy tín của gạo Việt trên thị trường quốc tế. Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án "Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030". Mục tiêu chung của đề án là hình thành một triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.

Gạo ST25 lần thứ 2 đạt giải gạo ngon nhất thế giới.

                                        Ảnh: Internet

Gạo Việt Nam là gạo ngon nhất thế giới năm 2023

Theo ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2023, có 3 doanh nghiệp Việt Nam gửi 6 loại gạo đi dự thi. Trong đó, doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí dự thi gạo ST24, ST25; Tập đoàn Lộc Trời dự thi gạo LT28 và Nàng Hoa 9; Tập đoàn Thái Bình Seeds dự thi với hai loại gạo TBR39 -1 và nếp A Sào. 

Kết quả chung cuộc, gạo Việt Nam đã trở thành gạo ngon nhất thế giới. Kết quả này thêm một lần nữa khẳng định chất lượng cũng như uy tín của gạo Việt trên thị trường quốc tế, khẳng định quá trình tái cơ cấu ngành lúa gạo của Việt Nam đã đi đúng hướng và đã gặt hái được những thành quả quan trọng. Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 11 tháng năm 2023 đạt 4,41 tỷ USD, tăng 36,3% so với cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý, giá gạo Việt Nam đã vươn lên vị trí cao nhất thế giới.

Cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới năm nay có sự tham gia của hơn 10 quốc gia và 30 mẫu gạo đã được gửi dự thi. Kết quả, gạo Ấn Độ đạt giải Ba, Campuchia hạng Nhì và Gạo ông Cua ST25 đạt giải Nhất. Đây là lần thứ hai gạo ST25 của ông Cua đoạt giải Nhất, lần đầu vào năm 2019.

Thông tin gạo Việt Nam được vinh danh là gạo ngon nhất thế giới chắc chắn sẽ có tác động tích cực đến hình ảnh gạo Việt cũng như việc xuất khẩu gạo của Việt Nam. Ông Hồ Quang Cua cho biết, sau khi đạt giải Gạo ngon nhất năm 2019, với dòng 68-10, ông và các cộng sự tiếp tục thanh lọc bằng cách trồng thuần từng cá thể lúa và đến 2021 dòng 72-6 lộ ra.

Không có dạng hình nổi trội bởi cây lúa 72-6 thấp, hơi xiên nhưng ít đổ ngã, trổ sớm hơn 5 ngày nhưng chín cùng lúc với dòng 68-10 nên có cùng chu kỳ sinh trưởng. Hạt gạo ngắn hơn dòng cũ độ 0,2mm. 

Đặc biệt, dòng lúa này thường chín tới nên ít bị lừng, bao lúa nặng hơn dòng cũ và tỉ lệ thu hồi gạo khá hơn dòng 68-10 độ 0,5%. Được biết, mẫu gạo dự thi được trồng trên quy mô 2,6ha cặp kinh Tiên Cường thuộc ấp Tiên Cường, xã Thạnh Thới An, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng vào vụ Hè Thu của ông Lưu Văn Hải, nằm trong số hàng trăm mẫu ruộng thực nghiệm các chế phẩm sinh học để phòng ngừa bệnh tật và côn trùng trên cây lúa, đồng thời cũng là chất kích thích tăng trưởng tự nhiên, không sử dụng hóa chất tổng hợp.

Lúa được thu hoạch vào ngày 14 và 15/9/2023, lúc trời mưa tầm tã nên một phần mười diện tích bị thất thoát không thu được. “Chúng tôi tổ chức xay xát hàng chục mẫu gạo từ các ruộng thực nghiệm không sử dụng hóa chất trong vụ Hè Thu 2023 và sau cùng chọn ra mẫu của ông Lưu Văn Hải để dự thi. Điều đặc biệt là tuy mắc mưa, sau khi trời khô thu hoạch ngay mà mùi gạo vẫn thơm bền. 50 mẫu gạo đóng túi nhỏ 200g được đại biểu xin hết, ngay sau khi công bố kết quả và trầm trồ vì mùi thơm của gạo", ông Cua cho biết.

Trồng 1 triệu ha lúa chất lượng cao

Chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đặt mục tiêu đến năm 2030 giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 40%, tỉ suất lợi nhuận người trồng lúa đạt trên 50%. Mục tiêu chung của đề án là hình thành 1 triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Đề án được triển khai theo hai giai đoạn tại 12 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Giai đoạn 1 (2024 - 2025), tập trung củng cố các diện tích đã có của dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) là 180.000ha, bao gồm công tác tập huấn, xây dựng kế hoạch, xây dựng hệ thống đo đạc-báo cáo-thẩm định (MRV), kiểm đếm và thí điểm cấp tín chỉ carbon cho những vùng lúa đạt chuẩn, củng cố các hợp tác xã, duy tu bảo dưỡng một số công trình và chuẩn bị kế hoạch cho giai đoạn 2026 - 2030. 

Giai đoạn 2 (2026 - 2030), xác định cụ thể khu vực trọng tâm để lập dự án đầu tư phát triển vùng lúa chuyên canh chất lượng cao giảm phát thải mới ngoài vùng dự án VnSAT và sẽ mở rộng thêm 820.000ha. Giai đoạn này sẽ tập trung vào các hoạt động chủ yếu như đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho những vùng diện tích mới, tổ chức lại sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị, hoàn thiện hệ thống MRV, đồng thời duy trì sản xuất bền vững ở những vùng đề án trong giai đoạn 2024-2025.

Đề án cũng đưa ra bốn chương trình nhiệm vụ ưu tiên gồm chương trình nâng cao năng lực cho hợp tác xã và doanh nghiệp tham gia đề án; chương trình tín dụng hỗ trợ liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp giữa hợp tác xã với doanh nghiệp; chương trình hiện đại hóa hạ tầng sản xuất cho 1 triệu ha lúa chất lượng cao và chương trình thí điểm chi trả carbon.

Đề án đặt mục tiêu giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống dưới 70kg/ha, giảm 30% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống. 100% diện tích áp dụng ít nhất một quy trình canh tác bền vững như 1 phải 5 giảm, tiêu chuẩn sản xuất lúa bền vững, tưới khô xen kẽ và các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt được chứng nhận và được cấp mã số vùng trồng.

Song Hà


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Tỷ giá ngoại tệ